Banner top
Menu portal
Giới thiệu
Banner tin tức - sự kiện
Banner - Góp ý - Ý kiến
Kế hoạch
Banner thi đua - khen thưởng
Tổ chức đoàn thể
Thông tin tuyển sinh
Công khai thông tin
Hiển thị nội dung bài viết

Giáo dục di sản văn hóa trong trường học

05/10/2022
03:50:00
230

NỘI DUNG TÁC PHẨM:

GIÁO DỤC DI SẢN VĂN HOÁ TRONG TRƯỜNG HỌC

Di sản văn hóa là hệ thống các giá trị vật chất và tinh thần do một cộng đồng người sáng tạo và tích luỹ trong một quá trình lịch sử lâu dài được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Từ Bắc - Trung - Nam, ở đâu có dấu chân con người đi mở cõi, ở đó có những di sản quý giá người xưa để lại cho đời nay. Nâng cao hiểu biết cho thế hệ trẻ về kho tàng di sản văn hóa dân tộc luôn là việc làm cần thiết; trong đó chương trình giáo dục di sản văn hóa trong nhà trường thiết nghĩ cần được chú trọng nhiều hơn.

Nâng cao hiểu biết về di sản

Di sản văn hóa Việt Nam là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và là một bộ phận của di sản văn hóa nhân loại, có vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của Nhân dân ta. Di sản văn hóa bao gồm di sản văn hóa phi vật thể và di sản văn hóa vật thể, là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Trong đó, di sản văn hóa phi vật thể bao gồm: tiếng nói, chữ viết, nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội và tín ngưỡng, lễ hội truyền thống, nghề thủ công truyền thống… Còn di sản văn hóa vật thể là sản phẩm vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học bao gồm di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.

Nhiều học sinh hiện nay rất mơ hồ khi được hỏi về kiến thức có liên quan đến di sản văn hóa Việt Nam. Trong khi, đó là kho tàng “của cải để dành” từ thời dựng nước, mở cõi mà ông cha ta ngàn năm để lại cho đời sau. Đưa chương trình giáo dục di sản vào trường học, lồng ghép vào các bộ môn phù hợp với cách giảng dạy truyền cảm hứng là thật sự cần thiết. Trong chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 mà Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành, một trong những nhóm nhiệm vụ trọng tâm được đề cập là “bảo vệ và phát huy di sản văn hóa dân tộc” với giải pháp cụ thể là bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu, phục vụ giáo dục truyền thống, phát huy các di sản được UNESCO ghi danh, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Muốn vậy, trước hết phải cung cấp cho các bạn trẻ (nhất là lứa tuổi học sinh) những hiểu biết cơ bản nhất về di sản văn hóa Việt Nam.

Nếu những học sinh trong tỉnh Quảng Bình còn chưa biết đến Phong Nha – Kẻ Bàng là di sản thiên nhiên thế giới được UNESSCO công nhận, hay Quảng Bình Quan là di sản văn hoá vật thể cấp quốc gia.., thì làm sao các em hiểu biết rộng hơn rằng Việt Nam có cả một kho tàng di sản văn hóa trải dài khắp đất nước. Chỉ hiểu biết mới biết trân trọng, góp phần gìn giữ, phát huy và quảng bá rộng rãi những giá trị ấy khi mai này các em trở thành những chủ nhân đất nước.

Cảm thụ giá trị các di tích

Trong chương trình phổ thông 2018 mới, giáo dục địa phương đã trở thành một môn học bắt buộc, trong đó lĩnh vực Lịch sử và truyền thống cũng đã được tăng nhiều về số tiết dạy. Bên cạnh đó, Bộ giáo dục và đào tạo cũng đã ban hành thêm các chuyên đề Lịch sử, trong đó có chuyên đề “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa ở Việt Nam”. Điều này cho thấy sự quan tâm của ngành về giáo dục di sản trong trường học. Ngoài những kiến thức chung trên phạm vi cả nước, học sinh được giảng dạy để hiểu biết về những sự kiện lịch sử quan trọng ở Quảng Bình, những đặc trưng văn hóa tiêu biểu, … Tuy nhiên, để cho các em cảm thụ những kiến thức này bằng trải nghiệm thực tế ở các di tích lịch sử - một phương pháp giảng dạy hiệu quả hơn thì chưa được áp dụng nhiều để nâng cao hiệu quả giảng dạy, tiếp thu.

Quảng Bình có những Di sản văn hoá vật thể như: thành Đồng Hới, hang Tám Cô, bến phà Xuân Sơn, lũy Trấn Ninh, lũy Trường Sa, khu lăng mộ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, đền Liễu Hạnh công chúa, khu lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cửa Nhật Lệ, khu mộ và đền thờ Tĩnh Quốc Công Nguyễn Hữu Dật, Hào Lương hầu Nguyễn Hữu Hào, chiến khu Trung Thuần, làng chiến đấu Cảnh Dương, làng chiến đấu Cự Nẫm, đình làng Đông Dương,... Những Di sản văn hoá phi vật thể như: hát Ca trù ở làng Đông Dương (Quảng Trạch); Lễ hội rằm tháng 3 tại huyện Minh Hóa; Hội vật, cướp cù đầu xuân ở xã Quảng Long; Lễ hội tưởng niệm thành hoàng và các bậc khai canh thôn Thượng Phong (Phong Thủy, Lệ Thủy); Lễ hội tưởng niệm thành hoàng và các bậc khai canh làng Quảng Xá (Tân Ninh, Quảng Ninh); Lễ hội tưởng niệm thần khai cư ở Thanh Trạch (Bố Trạch); Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang của người dân Lệ Thủy; Lễ hội đua trải ở Đồng Hải (Đồng Hới); lễ hội đua trải ở Cảnh Dương (Quảng Trạch)... Các lễ hội cầu ngư: Lễ hội cầu ngư Hải Ninh (Quảng Ninh); Lễ hội cầu ngư ở Bảo Ninh (Đồng Hới); Lễ hội cầu ngư ở Cảnh Dương (Quảng Trạch); Lễ hội cầu ngư ở Lý Hòa (Bố Trạch)...Đó chính là di sản văn hóa - lịch sử Việt Nam trên đất Quảng Bình giúp các em hiểu biết, trân trọng giá trị văn hóa - lịch sử dân tộc mình.

Đổi mới, nâng cao chất lượng chương trình giáo dục di sản văn hóa trong nhà trường - một trong những giải pháp để bảo vệ và phát huy di sản văn hóa dân tộc, cần được sự quan tâm của nhà trường – chính quyền địa phương – gia đình để thực hiện được nguyên lí “học đi đôi với hành”,“lí luận gắn với thực tiễn”.

[Trang chủ]
Thông báo
Banner - Thư viện ảnh
Banner - Thư viện video
Banner - Bộ giáo dục và đào tạo
Banner - Sở Giáo dục & Đào tạo Quảng Bình
Banner - Cổng thông tin điện tử Quảng Bình
Footer

Trường THPT Phan Bội Châu
Địa chỉ: Xã Phong Hoá - huyện Tuyên Hoá - Quảng Bình
Email: thpt_phanboichau@quangbinh.edu.vn